Ngày thâu tiếng bắt đầu rất sớm. ban tân nhạc của nhạc sĩ Minh Tâm và cổ nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thành gồm tất cả 12 nhạc công và 2 kỹ thuật viên của phòng thâu đã có mặt và bắt tay vào công việc vào 6 giờ sáng để dợt qua âm thanh và nhạc cụ. Đến 8 giờ thì các nghệ sĩ Thanh Tòng, Quế Trân, Thanh Sơn, Chí Bảo, Trinh Trinh lần lượt vào thử giọng và dợt qua với ban nhạc. Khoảng 10 giờ thì hầu hết các nghệ sĩ của kịch bản có mặt trong phòng thâu. Không khí phòng thâu rất sinh động. Ngồi coi thâu tiếng như coi được một phần nào đó của kịch bản. Các nghệ sĩ nhập tâm vào vai diễn – ns Thanh Sơn diễn gương mặt hiểm đi đôi với giọng cười tà tâm, ns Thanh Tòng với giọng nói run run và đôi tay run run diễn cho nhân vật, ns Lê Tứ căng thẳng qua những bài hồ quãng, ns Quế Trân nhí nhảnh hợp cùng ns Vũ Linh đầy kinh nghiệm song tấu với nhau, thật là đẹp. Biên tập Hoàng Song Việt, trơ lý đạo diễn Thành Chiến luôn túc trực trong phòng thâu, cùng với Văn Tiên, giải thích màn cảnh và nhân vật cho nghệ sĩ dễ dàng vào vai. Dàn nhạc cổ Hoàng Thành là trợ thủ đắc lực về bài bản cổ nhạc cho nghệ sĩ. Anh Hoàng Thành vừa là nhạc trưởng của cổ nhạc vừa là thầy nhắc nhở, giữ giọng, giữ nhịp cho nghệ sĩ. Nghệ sĩ nào hát chưa có “thần” lắm, anh cho ý kiến và kinh nghiệm. Bên trong phòng thâu là những tiếng đàn, tiếng hát, tiếng thoại trong kịch bản. Bên ngoài thì các anh thiết kế lên lịch và địa điểm cảnh quay ngoại cảnh. Có vài địa điểm ngoại cảnh giờ cuối không hợp đồng được. Thế là “đàng ngoài” đạo diễn Lê Lộc và “đàng trong” biên tập Hoàng Song Việt lại tất bật “song tấu” trên điện thoại để bàn bạc về thay đổi ngoại cảnh quay. Thiết kế cảnh trí Đình Trực được gởi vào gặp soạn giả để thảo luận thêm về cảnh trí. Thiết kế trang phục Kim Phượng cũng liên tục gọi vào để thống nhất màu áo, kiểu áo của các nghệ sĩ cho từng màn cảnh. Những cảnh vũ đạo phải được đồng nhất giữa diễn viên và nhạc công. Nhạc nhanh quá, chậm quá, ngắn quá, hoặc dài quá … sẽ làm cảnh diễn và vũ đạo không chuẩn. Mỗi vũ đạo theo nhạc được canh từng giây từng phút. Mỗi khung nhạc xen kẻ giữa cổ và tân, giữa vọng cổ và điệu lý đều được cẩn thận phân nhịp. Lúc đó, cái kim chỉ giây đồng hồ và điệu bộ tay của dàn nhạc được xử dụng tối đa. Vì trong lúc thâu, chỉ có tiếng đàn, tiếng hát, hoàn toàn không để lọt vào tiếng động nào khác, còn có thể gọi là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Khi bắt đầu vào bài, cả phòng thâu chìm trong im lặng, tiếng đàn vang lên, bàn tay của người giữ nhịp đưa lên, mắt dán vào kim đồng hồ, miệng nhẩm nhẹ từng nhịp, và rồi khi người giữ nhịp phất tay xuống là tất cả chấm dứt ngay phút giây đó. Tiếng cười, tiếng nói trao đổi về kịch bản lại vang lên. Trong những ngày làm việc ở phòng thâu, nghệ sĩ, nhạc công, và dàn máy nghĩ ngơi 2 lần để ăn trưa và ăn tối. Có vài tay đàn lẳng lặng kiếm một góc nhỏ nào trong phòng để tạm ngã lưng nhắm mắt ngũ vài phút. Mưa cứ đổ ầm ầm từ chiều cho đến khuya trong suốt sáu ngày thâu tiếng. Hi vọng trời sẽ hết mưa trong 2 ngày tới để đoàn phim được dễ dàng trong việc di chuyển và quay ngoại cảnh. Một ngày làm việc trong phòng thâu nhộn nhịp và bận rộn như vậy đó cho đến 11 giờ tối. Sáu ngày thâu tiếng, hai ngày ráp tiếng, “trận đầu” thành công, nhạc công thở phào nhẹ nhõm. Nghệ sĩ lại tiếp tục “cuộc chiến” với những chặn đường ra Long Hải, Thủ Đức, Bửu Long, và đối thủ đáng gờm là đoàn phim của đạo diễn Lê Lộc. Nếu trong phòng thâu, các “binh khí” của cuộc chiến là 12 nhạc cụ của dàn tân và cổ, dàn micro với hàng chục sợi dây chằn chịt nối vào dàn thâu; thì binh khí” của cảnh quay là 4 cặp đèn, 4 tấm phảng, 2 máy quay, dàn boom, dàn chạy, 2 máy điện, 4 màn hình, mà vị “chủ soái” nắm quyền “sanh sát” tất cả là đạo diễn kỳ cựu, nổi tiếng hét ra lữa: Lê Lộc! Sợ ông thần Mưa chưa đủ, ngán ông thần Gió chưa xong, trốn ông thần Nắng chưa được, giờ thần Lửa tới tiếp viện… nàng Ti bấm bụng cầu Trời khấn Phật lạy Tổ cải lương làm ơn hộ trì ... |