|
|
|
|
|
Soạn Giả: Văn Tiên (Ti). Đang theo học chương trình tiến sĩ luật khoa, nhưng nỗi đam mê lớn nhất hiện giờ của Ti là bộ môn cải lương hồ quảng của Việt Nam. Sinh ở Việt Nam, Ti được Mẹ dìu dắt vào với âm nhạc Tây phương và cải lương lúc lên 5 tuổi. Được gởi vào trường dòng học piano và học chữ hàng ngày, nhưng mỗi cuối tuần là Ti được Mẹ dẫn đi coi cải lương. Trưởng thành ở Hoa Kỳ , Ti vẫn theo sát và nghiên cứu các bài bản cải lương và hồ quảng qua các băng video cải lương, sách vở và báo chí. Ti khởi sự việc viết kịch bản từ những năm học trung học. Do tò mò mà Ti đã lấy lớp kịch thoại, và từ đó tự viết vai diễn cho mình và bạn diễn trong những lớp kịch ngắn. Vào đại học, tuy chuyên nghành về khoa thương mại tài chánh, Ti vẫn luôn dành thời gian cho âm nhạc. Song song với chương trình chính cho chuyên môn, Ti lấn sân qua khoa âm nhạc và lấy lớp Music Appreciation để học hỏi. Vào thư viện tìm nghe những bài hòa tấu cổ điển Tây phương, dự những buổi hòa nhạc, thính phòng để viết bài phân tích dòng nhạc cho lớp học đã giúp tạo cho Ti hiểu biết thêm về nhạc lý và âm điệu đặc biệt của bài bản.
Ra trường, thư thả và tự tin với những vốn liếng học vấn và âm nhạc mà cha mẹ đã đầu tư, Ti tự tìm bước riêng cho mình và đã tìm đến nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam, đàn tranh. Ti không tha thiết lắm với những bài tân nhạc chuyển thể qua đàn tranh mà chỉ chăm chú vào những bài cổ nhạc của Việt Nam như: Khổng Minh Tọa Lầu, Long Hổ Hội, Sương Chiều Tú Anh, vv...vv... Chưa bao giờ trong đầu, dù là một phút mơ mộng, Ti nghĩ mình có khả năng viết được một câu vọng cổ. Đọc báo chí, được biết cải lương đang dần mất khán giả và thua kém với các bộ môn văn nghệ khác, Ti càng cảm thấy gắn bó với cải lương hơn, và thầm tiếc nuối cho một nghệ thuật quá đặc thù của miền Nam đang lùi dần vào quên lãng. Mẹ cô cũng chắc lưỡi than một câu mà cô luôn nhớ trong lòng, "Không biết tới đời con của con, tụi nó có biết tới cải lương như con bây giờ không?"
Một sự tình cờ, Ti được giới thiệu và nói chuyện với soạn giả trẻ nổi tiếng trong nước là anh Hoàng Song Việt. Anh đã khuyến khích cô thử viết kịch bản. Với tâm trạng mừng rỡ và thúc đẩy "Ừ, viết đi con." của Mẹ cô, sự khích lệ thử sức của anh Phạm Lân, và đỡ đầu của soạn giả Hoàng Song Việt, cô đã bắt tay vào viết tuồng.
Kịch bản đầu tay của Ti là Cửu Tuyền Lai Sinh (2005) với sự góp mặt chánh của hai nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu của cải lương hồ quảng: Ngọc Đáng và Vũ Linh, và nhạc sĩ Minh Tâm, đã nhận được nhiều lời khen tặng về văn phong và nghệ thuật. Trong niềm vui và tự hào riêng, Ti thầm cảm ơn tất cả các soạn giả cải lương đã tạo nên niềm yêu thích cải lương và gợi lên trong cô vai trò "soạn giả".
Về văn phong, âm điệu, và diễn tiến của kịch bản, Ti học hỏi từ hàng trăm video cải lương từ xã hội tâm lý đến tuồng cổ hồ quảng; từ những bài văn, báo chí đến tập truyện Việt ngữ và Hán Việt. Mỗi kịch bản, Ti tìm hiểu tại sao giọng ca người nghệ sĩ hát hay và không hay dù rằng cùng một âm điệu; nhạc cụ, hòa âm ra sao mà có nhiều điệu vừa nghe là thổn thức là say mê, hoặc đôi khi quá đơn điệu và kéo dài nhàm chán; cũng như cách dùng lời văn trong các kịch bản, đôi khi quá xa vời tả cảnh không cảm xúc, đôi khi rất cô động vào lòng người nghe.
Ti ngưỡng mộ giọng ca và nét diễn của nam nghệ sĩ Vũ Linh. Cô theo sát những tuồng cải lương và nghiên cứu giọng hát của anh có ưu điểm và khuyết điểm nào, bên cạnh đó là những người bạn diễn nổi tiếng cùng thời với anh, và nghệ sĩ trẻ sau này. Ti theo trường phái cổ của soạn giả cải lương là "đo ni đóng giày". Khi viết vai diễn, cô phải nghe và tìm hiểu sở trường của người nghệ sĩ vào vai, và từ đó tạo nên nhân vật cho mỗi nghệ sĩ. Việc này không phải dễ đạt được với một soạn giả non tay, nhưng rất may mắn là bên cạnh cô có sự cố vấn và giúp đỡ của soạn giả Hoàng Song Việt và nghệ sĩ Vũ Linh, cũng như những lời phân tích rất hay và hiểu biết nghệ thuật của các khán giả cải lương từ các trang cải lương trên mạng.
Với thành công của kịch bản Cửu Tuyền Lai Sinh, Ti đã có thêm tự tin viết thêm hai kịch bản mới: Triệu Phi Loạn Yên Bang và Lưỡng Quốc Thâm Tình. Nhờ vào đầu tư khá vững và phong cách nghệ thuật của trung tâm Đại Nam, hai kịch bản mới này hứa hẹn thành công và hài lòng cho khán giả của nghệ thuật này.
|
|
|
|
|
|
|
|
|